Ý nghĩa hoa kiều mạch

 

Ý NGHĨA HOA KIỀU MẠCH
Hoa Kiều mạch hay còn được gọi là hoa Tam giác mạch, mạch ba góc….là một loài cây thuộc họ Rau răm được mô tả khoa học lần đầu vào năm 1794. Vì cây giống họ Lúa nên được gọi là “ mạch”, lá lại có hình tam giác nên mọi người thường quen gọi là hoa “ Tam giác mạch”. Đây là cây thân thảo, có thể cao từ 0,4m tới 1,7m. Thân hình trụ, có thể phân nhánh, màu xanh hoặc đỏ. Lá mọc bên dưới thân thường có phiến hình tim, có cuống lá, bẹ lá. Lá mọc phía trên ngọn cây thường có hình mũi giáo và không có cuống. Hoa mọc thành chùm ở đầu nhánh hoặc nách lá, hoa đơn tính. Quả có 2 lớp vỏ, hình dạng 3 cạnh, màu nâu đen hoặc xám. 
Mùa hoa từ tháng 6 đến tháng 10, 11và cho quả vào tháng 11, 12. Cây được trồng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu từ thế kỷ XV. Cây sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu mát với nhiệt độ thích hợp từ 15- 22 độ C, sức chịu lạnh yếu nên được trồng và phân bố chủ yếu ở vùng núi cao phía Bắc nước ta như Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang…. Loài hoa này có 2 loại phổ biến là loại màu trắng tinh khiết, và loại ban đầu hoa nở hoa trắng nhưng về sau chuyển sắc tím hồng,… 
Hoa Kiều mạch khi chưa nở chụm lại thành hình chóp nón, lúc nở thành từng chùm gồm nhiều bông hoa 5 cánh nhỏ li ti. Sắc hoa Kiều mạch khi nở rộ cả một cánh đồng hay triền núi sẽ cho chúng ta một cảm giác hoang sơ, như đắm chìm trong không gian núi rừng rộng lớn. Tuy hoa rất đẹp nhưng lại không thơm, sớm nở chóng tàn. Hoa Kiều mạch có thể nấu cháo, làm bánh, làm thức ăn cho gia súc và người. Theo Đông y, Kiều mạch có vị chát, hơi the, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, giảm phù thũng, chống ra mồ hôi trộm, đầy bụng, ỉa chảy, mụn nhọt hay nhiễm trùng …. 
Nhành Kiều mạch mang nét đẹp hoang sơ vùng núi Tây Bắc
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ mùa hoa Kiều mạch nở thì những người yêu thích du lịch khám phá lại thấy xốn xang, nhung nhớ muốn được ngắm nhìn loài hoa này. Mùa hoa còn là cơ hội cho những người thợ săn ảnh, thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật hay giúp cho chính bạn có những tấm ảnh trong khung cảnh đẹp như chốn thần tiên. Vốn không ưa nước, Kiều mạch thích hợp với những vùng cao nguyên đất cằn sỏi đá. Một loài hoa mỏng manh mang vẻ đẹp kiêu sa đầy sức sống, tựa như có gì đó rất kiên cường, bền bỉ trước thiên nhiên của vùng cao nguyên đá.
 Không chỉ là loài cây đặc biệt không nơi nào có bởi cây sinh trưởng mạnh mẽ trong điều kiện khắc nghiệt, khô cằn…, cây Kiều mạch còn là thực phẩm tốt cho những người suy nhược cơ thể. Thân cây Kiều mạch khi còn non có thể hái về luộc để ăn như một loại rau, có vị hơi ngái, nhưng khi ăn quen rồi bạn sẽ bị nghiện mùi vị của nó đấy nhé! Hạt hoa thì được hái và phơi khô, sau đó xay nhỏ thành bột để làm bánh- một món ăn thường thấy ở chợ phiên Hà Giang, nhất là ở chợ phiên Đồng Văn hay chợ phiên Mèo Vạc. Bánh có mùi vị đặc trưng, dẻo như bánh nếp nhưng thơm vị lúa mạch và ngọt đậm đà. Ngoài ra, bột còn có thể nấu cháo cũng rất ngon. Nếu các bạn muốn thưởng thức ngay hương vị của loài cây này, thì chỉ cần rang hạt lên là ăn được, cũng rất thơm ngon lại mang hương vị của núi rừng vô cùng đặc biệt. Không chỉ có vậy, cây Kiều mạch còn được chế biến nên loại rượu ngon đặc sản vùng cao không trộn lẫn với bất kỳ loại rượu nào….
Sắc trắng tinh khôi hay tím mộng mơ của hoa Kiều mạch đều rất đẹp
Hoa Kiều mạch mang cả giá trị tinh thần và cả ý nghĩa hiện thực trong đời sống. Câu chuyện về loài hoa Kiều mạch gắn liền với câu chuyện “cứu đói” lạ lùng. Người dân vùng cao nguyên thường kể cho nhau nghe rằng: ngày xưa, có nàng Tiên Gạo và nàng Tiên ngô đã gieo mày trấu và mày ngô vào những khe núi hoang vắng ít người qua lại. Vào năm nọ, cái đói hoành hành khắp cả bản làng. Dân làng đi khắp nơi để tìm kiếm lương thực nhưng dần tuyệt vọng bởi nguồn thức ăn cạn kiệt. Đúng lúc đó họ ngửi thấy một mùi thơm lạ thoang thoảng và khi lần theo hương thơm đó ai nấy đều ngỡ ngàng, bởi trước mắt họ là một rừng hoa nhỏ li ti trải dài suốt từ sườn núi bên này đến bên kia. Phải nhìn kỹ mới thấy lá hoa có hình tam giác ẩn nấp bên dưới hoa. Dân làng đã dùng hạt của loại cây này để ăn thay cho ngô, gạo và không ngờ là không chỉ hết đói mà họ còn cảm thấy ngon không kém so với những thực phẩm khác. Từ đó, khói bếp đã bay lên trên những nóc nhà của dân làng và cây hoa Kiều mạch được gìn giữ cho đến ngày nay.
Hoa Kiều mạch bé nhỏ biểu tượng cho làng quê thanh bình, dân giã, làm chúng ta nhớ về thời thơ ấu êm đềm gắn với những điều bình dị nhỏ bé nhưng vô cùng đep đẽ và trong sáng. Hoa như mang cả thiên nhiên rộng lớn vào không gian của mỗi người, để mỗi chúng ta có thể thỏa sức tận hưởng. Không chỉ ban ngày, mà ban đêm, khi ánh trăng chiếu rọi, những nhành Kiều mạch nở dưới trăng rực sáng đem đến một khung cảnh say đắm cuốn hút lòng người. Người Hàn Quốc cũng rất thích ăn bột cây Kiều mạch, loài hoa này còn được nhắc đến nhiều trong văn chương Hàn Quốc.
Hoa Kiều mạch có sức cuốn hút với bất cứ ai dù chỉ 1 lần nhìn thấy
Những nhành Kiều mạch phấp phới, mỏng manh trước gió, tạo cảm giác như có gì đó bồng bềnh, nhẹ nhàng nên thơ. Hoa như mang dư âm về mối tình đầu trong sáng, đã phai tàn để lại chút tiếc nuối xen lẫn những hoài niệm đẹp đẽ. Thân hoa nhỏ nhưng chắc chắn còn tượng trưng cho những chuyện tình bền chặt, vươt qua dặm ngàn khó khăn. Vẻ nhẹ nhàng, dịu dàng của hoa giống như sự bẽn lẽn, ngần ngại của ai đó khi còn chưa thể ngỏ lời mà cất giấu tình cảm trong lòng…. Hoa Kiều mạch còn gọi là hoa Nhân duyên cũng vì lẽ thế.
Nếu như trước kia, hoa Kiều mạch chỉ là loài cây hoang dại thì giờ đây nó được gieo trồng rộng hơn, gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân vùng cao, xuất hiện trong các lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc cũng như đem đến nét đặc sắc có giá trị cao trong lĩnh vực du lịch. Nếu bạn không có điều kiện hay thời gian để ghé thăm những vùng núi xa miền Tây Bắc, thì có thể mua hạt giống hoa Kiều mạch về tự gieo trồng tại nhà. Loài hoa này khá dễ chăm sóc bởi có thể chịu được điều kiện sống khắc nghiệt. Các bạn nên gieo hạt Kiều mạch vào khoảng tháng 8 là thích hợp nhất. Chỉ sau khoảng hơn một tháng là chúng ta sẽ có được những cây hoa Kiều mạch lớn, cho nụ hoa sẵn sàng đưa nở. Để gieo hạt Kiều mạch, bạn cần chuẩn bị hạt giống tốt, gieo trong độ sâu khoảng 2.5 cm. Trước khi gieo, bạn nên ngâm hạt giống hoa trong chậu, để qua đêm, vớt ra rồi mới đem gieo. Sau khi gieo nhớ tưới đủ ẩm để hạt nhanh tự nảy mầm.
Không biết từ khi nào, hoa Kiều mạch đã trở thành một phần không thể thiếu của núi rừng Tây Bắc
Chỉ cần vài chậu Kiều mạch nhỏ hay một góc sân vườn trải dọc bên những bậc thang là bạn đã đem thiên nhiên cao nguyên về nhà rồi đấy! Thêm chút hạt Kiều mạch nướng nhâm nhi, nhất là khi tiết trời se lạnh thì thật tuyệt vời phải không nào? Chúc các bạn thành công!
Quý khách vui lòng gọi vào số 0399616628 để được tư vấn và mua hàng của chúng tôi.

Để lại một bình luận