Nhưng rồi một ngày kia, người mẹ bỗng lâm bệnh nặng. Người con thương mẹ lắm, nên dù nhà nghèo em vẫn cố gắng chạy chữa những thầy lang giỏi nhất vùng. Nhưng sức khỏe người mẹ càng ngày càng yếu đi. Người con lo lắm, quyết tâm đi tìm thầy chữa bệnh cho mẹ.
Em đi mãi, đi mãi, qua bao nhiêu làng mạc, núi sông, ăn đói mặc rách vẫn không nản lòng. Một hôm đi qua một ngôi chùa, em xin phép nhà sư trụ trì được cầu phúc cho mẹ, tấm lòng hiếu thảo của em động đến cả trời xanh. Trời nghe phải nhỏ lệ, đất nghe phải cúi mình. Đức Phật từ bi cảm thương tấm lòng hiếu thảo của người con, động lòng trắc ẩn Người đã hóa thân thành một nhà sư, đi ngang qua chùa và tặng em một bông hoa trắng xinh đẹp.
Đức Phật nói: “ta cho con bông hoa này, nó là biểu tượng của sự sống, là bông hoa chứa đựng niềm hi vọng,là ước mơ của loài người, là thần dược để chữa bệnh cho mẹ con. Nhưng con phải nhớ, cứ một năm thì hoa sẽ rụng đi một cánh hoa, bông hoa này có bao nhiêu cánh thì mẹ con chỉ sống được bấy nhiêu năm”. Người con cảm tạ Đức Phật và đếm cánh hoa. Rất đau buồn khi biết bông hoa chỉ có năm cánh, nghĩa là người mẹ chỉ sống với em được năm năm nữa.
Thương mẹ quá em đã liều xé nhỏ từng cánh hoa cho đến khi không còn đếm được bông hoa có bao nhiêu cánh nữa. Bà mẹ nhờ có bông hoa thần dược đó mà sống rất lâu bên người con hiếu thảo của mình. Bông hoa trắng có vô số cánh là biểu tượng của sự sống, là ước mơ trường tồn, là khát vọng chữa lành mọi bệnh tật của con người. Sau này người đời gọi là Hoa Cúc.
Hoa Cúc trong đời sống tâm linh của người Việt thể hiện rõ qua những bộ tranh tứ quý: “Tùng Trúc Cúc Mai”. Hoa Cúc là biểu tượng cao qúy của sự sống , của sự thịnh vượng và tình cảm thương yêu, hiếu thảo của con người.
Ngày nay, ngoài màu trắng và vàng họ nhà cúc còn có nhiều loại mang những màu sắc khác nhau vô cùng rực rỡ, hương thơm mát, mang lại sức khỏe và sự sảng khoái cho con người.